Bài học 6 năm khởi nghiệp của cựu sinh viên Bách khoa – CEO Kaopiz
Khao khát thử thách bản thân, sau khi tốt nghiệp, anh Lê Văn Hoàng cùng nhóm sinh viên dự án đào tạo Việt – Nhật đầu tiên, ĐH Bách khoa Hà Nội đã quyết định bước ra khỏi vùng an toàn, tìm hướng đi mới cho riêng mình. Kiên định, chăm chỉ, sáng tạo, luôn học hỏi… CEO Kaopiz Lê Văn Hoàng và các sinh viên Bách khoa đã từng bước chinh phục thị trường Nhật Bản, dẫn dắt công ty chuyên về phần mềm Kaopiz sofware từng bước phát triển. Không quên nơi đã tạo bước chạy đà cho thành công của mình, có cơ hội, anh Hoàng lại trở về trường để hợp tác, hỗ trợ các sinh viên, mong được góp phần nhỏ bé giúp đỡ các đàn em, chia sẻ những kinh nghiệm mà mình đúc rút được trên bước đường lập nghiệp. Hãy cùng Đặc san Bách khoa tìm hiểu về bài học 6 năm khởi nghiệp của cựu sinh viên Bách khoa – CEO Kaopiz Lê Văn Hoàng.
Khi “chất Bách khoa” hòa hợp cùng phong cách làm việc Nhật Bản
– Thưa anh, thời điểm tháng 9/2014, lý do nào thôi thúc các kỹ sư trẻ dự án đào tạo Việt-Nhật, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội hợp sức để quyết định thành lập công ty về IT? Có người nào lo lắng nói các anh liều không?
* Thời điểm mở công ty thì các founder đều có công việc ổn định và hướng phát triển nghề nghiệp tốt. Tuy nhiên trong mỗi người đều có khát khao bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân và thử thách với một điều gì đó mới mẻ. Đó là lý do chính thôi thúc tôi và các bạn ra mở công ty về IT.
Ngoài ra, tôi và các founder khác cùng học BKHN trong chương trình Việt Nhật (HEDSPI), đã quen biết nhau từ trước và mọi người cùng có chung chí hướng mở công ty riêng.
Thời điểm bắt đầu mở công ty, chúng tôi cũng không cho nhiều người biết. Người thân và gia đình có chút lo lắng nhưng nhìn chung là ủng hộ quyết định của chúng tôi.
– Được biết anh có thời gian sống và làm việc tại Nhật Bản, xin hỏi kỷ luật, kỹ năng, phong cách làm việc Nhật Bản có “hòa hợp” với chất của sinh viên Bách khoa không? Khi lập nghiệp, kiến thức gì từ Bách khoa Hà Nội giúp ích nhiều nhất cho anh?
* Nhật Bản là đất nước nổi tiếng bởi sự kỷ luật, tỉ mỉ, chu đáo, cũng như tác phong làm việc có kế hoạch, báo cáo kịp thời. Trong thời gian sống và làm việc ở Nhật Bản, tôi đã học hỏi được rất nhiều và bản thân tôi cũng phải có sự điều chỉnh để có thể thích nghi với môi trường mới. Chính điều này đã ảnh hướng lớn tới tác phong, phong cách làm việc của tôi sau này.
Về công việc ở Nhật, tôi được tiếp xúc với nhiều điều mới mẻ, yêu cầu khả năng tư duy phân tích vấn đề khá nhiều. Còn ở ĐH Bách Khoa Hà Nội, việc đào tạo chú trọng vào tư duy giải quyết vấn đề hơn là bài toán cụ thể. Đây cũng có thể coi là tiền đề giúp cho tôi sớm hòa nhập được với môi trường làm việc khắt khe ở Nhật Bản.
Điều tự hào nhất khi học tại Bách khoa Hà Nội
– Đi làm rồi mới thấy thời vui sướng nhất chính là thời đi học! Nếu được kể về thời đi học ở Bách khoa Hà Nội, anh sẽ kể câu chuyện gì? Hồi đó, thầy cô nào có ảnh hưởng đến anh nhất?
* Thời đại học thì nhiều kỷ niệm lắm. Vì bọn tôi là khoá đầu của chương trình Việt Nhật (HEDSPI) nên được đầu tư học tiếng Nhật rất nhiều. Tôi còn nhớ lúc đó học tiếng Nhật nửa buổi và nửa buổi còn lại học chuyên môn. Các thầy cô giáo người Nhật mặc dù không biết tiếng Việt nhiều nhưng rất tâm huyết để truyền đạt kiến thức cho sinh viên. Ngay từ buổi học tiếng Nhật đầu tiên đã có giáo viên người Nhật dạy rồi. Lúc đó cô trò rất vất vả để hiểu được ý của nhau. May mắn là cuối cùng mọi việc cũng thuận lợi và hầu hết mọi người đều có khả năng tiếng Nhật tốt để giúp ích cho công việc sau này.
Về các môn học khác thì các thầy cô giáo cũng để lại rất nhiều ấn tượng tốt. Mỗi người một phong cách nhưng tất cả đều rất nhiệt tình, hết lòng vì sinh viên. Đó là điều tôi cảm thấy tự hào nhất khi được học tại đây.
– Nhìn lại quãng đường khởi nghiệp, lập nghiệp, điều gì khiến anh cảm thấy tâm đắc nhất muốn chia sẻ lại với các đồng nghiệp, đàn em Bách khoa Hà Nội?
* Tính đến thời điểm hiện tại, Kaopiz đã bước qua năm thứ 6. Thời gian đầu, chúng tôi cũng phải trải qua không ít khó khăn thử thách, đặc biệt khi tất cả đồng sáng lập đều là dân Bách khoa Hà Nội, học chuyên ngành về kỹ thuật. Vì vậy các kiến thức khác để vận hành công ty như quản trị bán hàng gần như không có, nhiều việc không biết bắt đầu từ đâu. Tuy nhiên, nếu kiên trì tìm tòi học hỏi và không ngại việc khó, việc chưa biết thì tất cả đều sẽ có lời giải. Đây cũng chính là bài học mà tôi rút ra được trong 6 năm khởi nghiệp của mình. Thái độ của mình đối với công việc sẽ quyết định kết quả của công việc đó.
– CNTT là lĩnh vực luôn luôn được cập nhật, luôn có những cái mới. Vậy người theo đuổi lĩnh vực này cũng luôn phải F5 bản thân để không bị lạc hậu, bị đối thủ bỏ lại phía sau. Hỏi thật anh cứ luôn “chạy” như vậy, có bao giờ anh thấy mệt mỏi? Và anh làm gì để thư giãn bản thân tránh bị stress?
* Hiện tại, thời gian chính của tôi làm các việc liên quan tới quản lý, không còn làm trực tiếp các công việc kỹ thuật nữa. Tuy nhiên khi có thời gian, tôi vẫn tranh thủ cập nhật công nghệ mới hoặc các xu hướng công nghệ sắp tới. Việc này không chỉ giúp ích cho định hướng phát triển công ty mà còn giúp cho tôi “refresh” bản thân. Vậy nên, tôi không có cảm giác bị stress hay mệt mỏi khi phải chạy theo sự phát triển công nghệ.
Anh Lê Văn Hoàng phát biểu tại bữa tiệc đón năm mới 2020 của công ty
Giải mã lý do doanh nghiệp có quá nửa nhân viên tốt nghiệp ĐHBK Hà Nội
– Là một cựu sinh viên Bách khoa, điều gì khiến anh tự hào nhất khi nói đến nơi mình được đào tạo? Doanh nghiệp của anh có “ưu ái” gì cho các sinh viên tốt nghiệp Bách khoa Hà Nội muốn đầu quân không?
* Trong quá trình làm việc tôi được tiếp xúc và làm việc cùng với rất nhiều bạn sinh viên tốt nghiệp từ ĐHBKHN. Ở Kaopiz, có thời điểm số nhân viên tốt nghiệp BKHN chiếm quá nửa. Nói vậy không phải là tôi ưu ái BKHN đâu, mà do các bạn đa số đều được đào tạo bài bản, kiến thức nền tảng tốt nên phù hợp với định hướng phát triển của công ty. Tôi nghĩ đây là lý do chính.
– Các cựu sinh viên thường quay trở về trường cũ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình cho các em khóa sau. Anh có thường quay về nơi mình đã học cả tuổi thanh xuân? Điều gì anh thấy các sinh viên cần chú ý, rèn luyện?
* Cá nhân tôi chưa có dịp nhưng Kaopiz hiện tại cũng đang là đối tác của Viện CNTT&TT. Thời gian qua, Kaopiz cũng đã tổ chức một số buổi chia sẻ kiến thức về các công nghệ mới như Blockchain hay AI với các bạn sinh viên. Đồng thời, phía Viện cũng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các bạn sinh viên tới tham quan, thực tập tại Kaopiz. Sắp tới nếu có điều kiện, tôi muốn đẩy mạnh hơn nữa những hoạt động này.
– Doanh nghiệp của anh vừa hỗ trợ cho các sinh viên Bách khoa máy tính để học tập online trong thời điểm dịch bệnh Covid -19. Anh muốn nhắn nhủ gì tới các sinh viên? Và sau những chiếc máy tính được gửi đến tận tay sinh viên, anh có thêm dự định gì để hỗ trợ cho các sinh viên, hỗ trợ cho nhà trường?
* Tôi hy vọng với những hỗ trợ nhỏ bé của mình có thể chia sẻ được phần nào đó cho các bạn sinh viên trong thời điểm khó khăn này. Sắp tới, như đã chia sẻ, tôi mong muốn đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác với nhà trường cũng như Viện CNTT&TT để có thể mang đến nhiều giá trị hơn cho các bạn sinh viên. Tôi mong rằng những chương trình hợp tác như này sẽ là cầu nối, giúp cho các bạn sinh viên có thể tìm được nơi phù hợp với định hướng phát triển của mình cũng như giúp các doanh nghiệp như Kaopiz tìm được những ứng viên tiềm năng để chiêu mộ.
- Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trao đổi!
Gia Hân (thực hiện)